Từ nhỏ chúng ta đã được biết đến tài năng xuất chúng của Cao Bá Quát qua truyện đọc “Văn hay chữ tốt” hay hình tượng nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”. Vốn dĩ là thần đồng toàn tài vang danh trời Nam, nhưng bởi tính tình khảng khái, ngạo nghễ, có chút “ngông”, ông có cuộc đời khá gian truân, bị nhiều lần đày ải. Cuối cùng, Cao Bá Quát bị tru di tam tộc, để lại nhiều tiếc nuối và tò mò cho người đời sau.
Đôi nét giới thiệu về Cao Bá Quát
Cao Bá Quát hay “Thánh Quát sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh (nay là Hà Nội). Từ nhỏ, Cao Bá Quát đã vang danh khắp chốn vì trí thông minh và sự tài giỏi, đặc biệt là chữ viết đẹp tựa “rồng bay phượng múa”. Đến nay còn lưu truyền tài năng “văn hay chữ tốt” của ông. Năm 8 tuổi, Cao Bá Quát xuất sắc đáp lại thơ với vua Minh Mạng nên rất được nhà Vua để tâm.
Bên cạnh tính cách kiên trì, nhẫn nại luyện chữ ngày đêm, cột tóc lên xà ngang để tránh ngủ gật, Cao Bá Quát còn nổi tiếng bởi tính tình khảng khái, kiêu ngạo và có chút ngông cuồng. Bởi vậy mà ông đã không ít lần thi trượt trên con đường thăng quan tiến chức với hai lần trượt kỳ thi Hương và nhiều lần trượt kỳ thi Hội. Sau này, Cao Bá Quát làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây. Tuy nhiên, cũng bởi tính cách ngang tàng của mình, danh sĩ đã sớm không được lòng vua và nhiều quan lớn trong triều đình.
Đến nửa cuối năm 1854, đầu năm 1855, chứng kiến cảnh người dân khốn cùng với nạn hạn hán, mất mùa, Cao Bá Quát đứng lên lãnh đạo nhân dân phát động khởi nghĩa Mỹ Lương, chống lại sự quản lý của triều đình nhà Nguyễn thời bấy giờ. Bi kịch cuộc đời ông cũng bắt đầu từ đây.
Lý do Cao Bá Quát bị tru di tam tộc
Theo nhiều nguồn tin, lý do Cao Bá Quát bị tru di tam tộc là bởi ông đã tham gia chỉ huy quân đội chống lại vương triều nhà Nguyễn. Cụ thể, sau khi đứng lên lãnh đạo khởi nghĩa Mỹ Lương trong vai trò Quốc sư, Cao Bá Quát đã sớm dẫn nghĩa quân thắng các trận ở Thanh Oai và Ứng Hòa, chiếm lại được huyện Kim Bảng. Năm 1855, ông lại tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân đánh chiếm Yên Sơn và không may hy sinh tại trận đánh này.
Việc này đã khiến vương triều nhà Nguyễn phẫn nộ, ban lệnh “tru di tam tộc” nhà Cao Bá Quát, cấm lưu hành văn thơ của ông. Dẫu vậy, đến nay, những tác phẩm của ông vẫn lưu truyền với giá trị nghệ thuật vô cùng lớn.
Sự thật việc Cao Bá Hưng tự nhận là cháu nội 7 đời của Cao Bá Quát
Vài năm trở lại đây, khi chương trình Sing My Song được công chiếu trên kênh truyền hình VTV3 và sự xuất hiện của thí sinh tiềm năng Cao Bá Hưng – người tự xưng là con cháu đời thứ 7 của Cao Bá Quát đã khiến dân tình đặt ra nhiều thắc mắc. Câu chuyện Cao Bá Quát bị tru di tam tộc cũng được đưa ra bàn tán sôi nổi. Theo đó, nhiều người không tin lời của Hưng do theo thông tin thì sau khi thi hành án tru di tam tộc, cụ Cao Bá Quát không thể có truyền nhân đời sau được.
Tuy nhiên, theo lời giải thích từ Hưng, gia đình có cuốn gia phả nhà họ Cao ghi rõ các đời từ trước đến nay. Đặc biệt, giống như ông nội của Hưng – cụ Cao Bá Nghiệp, truyền thuyết tại làng Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội, việc “tru di tam tộc” của nhà Nguyễn không thực hiện được. Trong lúc bắt nhốt, tra khảo gia đình họ Cao về tung tích của Cao Bá Quát, con trai Cao Bá Bính đã đem theo quân lính để giải cứu, nhiều người chạy trốn, di tản khắp nơi nên vẫn còn duy trì dòng họ đến bây giờ.
Thực hư chuyện Cao Bá Quát bị tru di tam tộc ra sao, đến nay vẫn còn là câu hỏi không có lời giải đáp. Nhiều câu chuyện và cách lý giải khác nhau đã được lưu truyền, tuy nhiên chưa câu chuyện nào đưa ra được bằng chứng chứng thực. Chỉ tiếc thương thay cho một kỳ tài với cuộc đời quá đỗi truân chuyên.