Khi nhu cầu thanh toán và trả góp thẻ tín dụng tăng cao, nhiều khách hàng có mong muốn tăng hạn mức tín dụng. Để được tăng hạn mức tín dụng, khách hàng cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí xét duyệt từ ngân hàng. Cùng tìm hiểu các tiêu chí tăng hạn mức tín dụng được trình bày chi tiết trong nội dung dưới đây.
Mục Lục
1. Thu nhập tăng tối thiểu 30%
Để tăng hạn mức tín dụng, khách hàng cần phải có thu nhập tăng ít nhất 30% so với thời điểm đăng ký mở thẻ.
Hầu hết các ngân hàng đều xét duyệt hạn mức thẻ tín dụng dựa trên hai yếu tố: tiềm năng tài chính và uy tín tài chính cá nhân. Thu nhập tăng lên cho thấy tài chính của khách hàng tốt và có khả năng hoàn trả số tiền đã sử dụng trong kỳ sao kê theo đúng kỳ hạn. Ngân hàng sẽ đánh giá và xem xét hành vi của khách hàng trong quá trình sử dụng các sản phẩm của ngân hàng đó để xét duyệt có tăng hạn mức tín dụng cho khách hàng hay không.
Thông thường, các ngân hàng sẽ đề xuất tăng hạn mức tín dụng cho chủ thẻ định kỳ 6 tháng – 12 tháng/lần theo chính sách rà soát lại hạn mức tín dụng của khách hàng đang sử dụng dịch vụ thẻ. Nếu không nhận được lời mời, khách hàng có thể đến trực tiếp ngân hàng để đề nghị đăng ký tăng hạn mức.
Khách hàng có thể tăng hạn mức tín dụng lên khi thu nhập tăng ít nhất 30%
2. Công việc minh bạch, ổn định
Bên cạnh việc tăng thu nhập cá nhân, khách hàng phải chứng minh được tính ổn định của công việc hiện tại khi muốn làm xét duyệt lại hồ sơ tín dụng.
Mặc dù yếu tố công việc không chiếm tỷ trọng quá cao, nhưng đây là tiêu chí đi kèm quyết định khách hàng có thể được ngân hàng xét duyệt tăng hạn mức thẻ hay không. Bởi công việc ổn định sẽ thể hiện cho khả năng thanh toán dư nợ bền vững lâu dài.
Cụ thể, những công việc được đánh giá có sự ổn định cao trên thị trường hiện nay có thể thể tới: bác sĩ, giáo viên, luật sư, kế toán, lập trình viên,… Ngoài ra, khi nộp hồ sơ xét duyệt tăng hạn mức, khách hàng sẽ phải cung cấp thêm hợp đồng lao động và sao kê bảng lương 3 tháng gần nhất trong hồ sơ xét duyệt.
Khách hàng có công việc minh bạch và ổn định là một trong những tiêu chí xét duyệt tăng hạn mức
3. Giá trị tài sản sở hữu hợp pháp có xu hướng tăng
Tiêu chí tiếp theo để tăng hạn mức tín dụng là khách hàng phải có giá trị tài sản sở hữu hợp pháp tăng lên. Giá trị tài sản sở hữu của khách hàng bao gồm giấy tờ bất động sản, xe ô tô, bảo hiểm, sổ tiết kiệm… Khi ngân hàng xét duyệt, những tài sản này sẽ được đánh giá dựa trên 2 yếu tố:
- Tính hợp pháp: Tài sản xét duyệt phải thuộc quyền sở hữu của chủ thẻ, có hồ sơ chứng minh hợp pháp và chịu sự bảo hộ của pháp luật quốc gia sở tại.
- Giá trị tài sản thực tế: Tài sản khách hàng sở hữu sẽ được quy đổi trực tiếp ra tiền mặt tại thời điểm hiện tại để tổng kết ra một con số định giá tài sản chung bằng đơn vị tiền tệ.
Nhìn chung, nếu giá trị tài sản sở hữu hợp pháp của khách hàng tăng lên so với thời điểm mở thẻ, khách hàng sẽ có khả năng thanh toán dư nợ với mức tín dụng cao hơn. Từ đó, ngân hàng sẽ tin tưởng và đồng ý phê duyệt hồ sơ tăng hạn mức tín dụng cho khách hàng.
Lưu ý: Mỗi ngân hàng sẽ có chính sách riêng về việc tăng hạn mức thẻ tín dụng thông qua tài sản sở hữu. Để biết được trọng số quan trọng của yếu tố này, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp tới ngân hàng phát hành thẻ để được tư vấn chi tiết.
Để tăng hạn mức thẻ tín dụng giá trị tài sản sở hữu hợp pháp của khách hàng phải tăng hơn so với thời điểm mở thẻ
4. Lịch sử sử dụng thẻ tín dụng tốt
Lịch sử tín dụng tốt, không có nợ quá hạn cũng là một trong những tiêu chí để ngân hàng quyết định có xét duyệt tăng hạn mức thẻ cho khách hàng hay không.
Thông thường, để đánh giá một khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, ngân hàng sẽ căn cứ vào các yếu tố sau:
- Lịch sử thanh toán dư nợ đúng hạn: Khách hàng thanh toán đầy đủ và đúng hạn dư nợ vào cuối mỗi kỳ sao kê. Khách hàng không có lịch sử nợ quá hạn hoặc không thường xuyên thanh toán dư nợ tối thiểu trong một thời gian dài.
- Sử dụng thẻ đúng mục đích: Khách hàng không thường xuyên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để chi tiêu. Đặc biệt, khách hàng tuyệt đối không được có lịch sử hành vi gian lận tài chính từ thẻ và chi tiêu tại các lĩnh vực không đúng pháp luật trước đây.
- Không có khoản nợ chưa thanh toán quá 10 ngày: Khách hàng đang không có khoản nợ tài chính nào cần phải thanh toán hoặc ít nhất là không bị đánh giá vào nhóm có nguy cơ nợ quá hạn. Hạn mức tín dụng cá nhân của khách hàng còn nhiều, đảm bảo khách hàng có đầy đủ khả năng thanh toán dư nợ nếu hạn mức thẻ được tăng lên.
- Điểm tín dụng ở mức tốt trở lên: Điểm tín dụng cao chứng tỏ sự minh bạch và uy tín của khách hàng trong các hoạt động tài chính trước đó. Do đó, ngân hàng cũng sẽ yên tâm khi tiếp tục giao dịch (mở thêm khoản vay) cho khách hàng này.
Lưu ý: Căn cứ vào mức độ uy tín và khả năng thanh toán dư nợ, mỗi khách hàng sẽ có hạn mức tín dụng khác nhau. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng đều sẽ có chính sách quy định hạn mức thẻ tín dụng chung cho các hạng thẻ nhất định. Khách hàng có thể dựa vào đó để đăng ký xét duyệt lại hồ sơ tăng hạn mức tín dụng.
Ngân hàng sẽ cân nhắc tăng hạn mức tín dụng khi khách hàng có điểm tín dụng ở mức tốt trở lên
Nhìn chung để tăng hạn mức tín dụng, khách hàng cần phải đáp ứng đầy đủ 4 tiêu chí: thu nhập tăng ít nhất 30%, có công việc ổn định, giá trị tài sản sở hữu hợp pháp tăng và lịch sử tín dụng tốt. Giá trị tài sản sở hữu càng cao, thu nhập càng lớn thì hạn mức tín dụng được xét duyệt của khách hàng càng lớn.
Nếu quý khách còn có bất cứ thắc mắc gì liên quan đến vấn đề tăng hạn mức tín dụng, hãy tìm đến những ngân hàng phát hành thẻ hoặc các ngân hàng lớn, uy tín như Techcombank để được tư vấn hỗ trợ thêm theo hotline 1800 588 822.